17 C
Hanoi
Thứ Ba, Tháng Ba 19, 2024

Tất cả đều cần Việt Nam

Chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris mới kết thúc thì Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và Bộ trưởng Quốc phòng của Nhật Bản Kishi Nobuo đã nối tiếp đến nước ta “đàm đạo”. Điều đặc biệt, những chuyến thăm này đều diễn ra trong hoàn cảnh Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do dịch Covid-19 gây ra, thủ đô Hà Nội vẫn trong giai đoạn giãn cách nghiêm ngặt.

Tất cả đều cần Việt Nam
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kishi Nobuo.

Câu hỏi đặt ra, tại sao lãnh đạo cấp cao của Mỹ, Trung Quốc hay Nhật Bản đều lần lượt đến Việt Nam ở một thời điểm đặc biệt như thế? Hiện nay, ai cũng nhận thấy biển Đông không chỉ là vấn đề mang tính khu vực mà đang trở thành vấn đề toàn cầu, Việt Nam với vị trí trung tâm của khu vực Đông Nam Á, tiếp giáp biển Đông nhiều nhất nên chiến lược và hành động của nước ta có ảnh hưởng rất lớn đến hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới. Và gần như các nước có tồn tại lợi ích ở biển Đông đều mong muốn thể hiện vai trò của mình đối với Biển Đông và trước tiên là với Việt Nam.

Ngoài tầm quan trọng ở vị trí địa chính trị thì Việt Nam còn là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đặc biệt, nỗ lực ngoại giao đi kèm những cống hiến xây dựng vì cộng đồng quốc tế trong nhiều năm đã tạo vị thế rất lớn cho Việt Nam. Khi lãnh đạo các nước lần lượt đến thăm và làm việc thì rõ ràng, họ đang cho thấy tầm quan trọng chiến lược của Việt Nam – một trong những trọng điểm cục diện địa chiến lược hiện đại của các nước ASEAN.

Không đơn thuần là những chuyến thăm thông thường mà trong đó còn thể hiện rõ nét các mối quan hệ hữu nghị, truyền thống thực chất, hiểu quả và cả những quan điểm, lập trường của các nước đối với các vấn đề mang tính toàn cầu. Với Mỹ, bên cạnh 6 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 viện trợ thì ngay tại chuyến thăm lần đầu Việt Nam, Phó Tổng thống Mỹ đã tặng thêm nước ta 1 triệu liều. Cùng với đó là việc Mỹ đặt văn phòng khu vực Đông Nam Á của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) tại Hà Nội, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng y tế cộng đồng, tăng cường hợp tác chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine ngừa Covid-19. Đó còn là những thỏa thuận tôn trọng luật pháp quốc tế trong hợp tác và xử lý các vấn đề khu vực.

Tất cả đều cần Việt Nam
Buổi hội đàm giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Tổng thống Mỹ Harris.

Khi dịch bùng phát mạnh mẽ ở TP.HCM, Trung Quốc là một trong những quốc gia cung cấp vaccine số lượng nhiều cho Việt Nam, bên cạnh 3 triệu liều theo thỏa thuận, thì quốc gia láng giềng này còn tặng thêm 900.000 liều vaccine Sinopharm Beijing. Bên cạnh việc tiếp tục nhiều hợp tác thì hai bên cũng tăng cường đối thoại để giải quyết các khác biệt dựa trên Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, giữ nguyên lập trường, đảm bảo an toàn, tự do hàng hải và hàng không.

Tất cả đều cần Việt Nam
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị.

Còn với Nhật Bản, Thủ tướng Abe đã từng bắt đầu chuyến thăm Đông Nam Á đầu tiên tại Việt Nam, đến người kế nhiệm là tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide vẫn tiếp tục như vậy. Cho đến chuyến thăm lần này của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kishi Nobuo cũng rất đặc biệt, bởi ông ấy  là em trai của nguyên Thủ tướng Abe Shinzo. Chuyến thăm lần này của ông Kishi Nobuo chính là một sự kế thừa, tiếp nối. Chính mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai nước đã tạo tiền đề cho một thỏa thuận mang tính bước ngoặt được ký kết về việc cung cấp vũ khí và công nghệ quốc phòng. Trước đây, Nhật Bản đã bàn giao 6 tàu chiến đã qua sử dụng cho nước ta để bổ sung cho lực lượng Cảnh sát biển. Qua các năm 2016, 2018, 2019, hai nước cũng đã tham gia tập trận trên Biển Đông. Đến năm 2020, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản JICA đồng ý cung cấp cho Chính phủ Việt Nam khoản vay ưu đãi trị giá 347 triệu đô la để mua 6 tàu tuần tra mới, giúp Việt Nam thực hiện hiệu quả hơn các hoạt động tìm kiếm cứu nạn và thực thi pháp luật, đảm bảo an toàn và tự do hàng hải. Thế mới thấy rõ vai trò trung tâm của Việt Nam trong khu vực cũng như những lợi ích mà các nước mang lại cho nước ta.

Trong thế giới phẳng hiện nay thì các quốc gia không thể tồn tại độc lập được mà cần có sự liên kết, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau hướng đến sự phát triển hòa bình, ổn định. Phải nói Việt Nam đã lựa chọn đúng chiến lược ngoại giao độc lập, tự chủ và rất khôn ngoan để có được “bạn bè càng nhiều, kẻ thù càng ít”. Phó Giáo sư Khoa Đông phương học trường MGIMO thuộc Bộ Ngoại giao Nga, bà Anna Kireeva từng nhận xét “Việt Nam đã thể hiện một nỗ lực khá thành công, mặc dù khó khăn, nhằm cân bằng giữa các cường quốc quan trọng nhất trong khu vực”. Chính vì những nỗ lực ngoại giao không ngừng nghỉ đó mà hiện nay vị thế của Việt Nam đã được nâng tầm rất cao so với nhiều năm trước đây. Đó cũng là lý do mà lãnh đạo cấp cao nhiều nước đã đến thăm Việt Nam chỉ trong thời gian ngắn, bất chấp dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp.

Đặng Trường


Nguồn: Cánh cò

CÓ THỂ BẠN MUỐN XEM

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

KẾT NỐI

0FansLike
455FollowersFollow
51SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

LUẬN BÀN-PHẢN BIỆN

ĐỐI TƯỢNG