17 C
Hanoi
Thứ Ba, Tháng Ba 19, 2024

‘Áp dụng các biện pháp chống dịch’ là để bảo vệ người dân!

Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, gây tổn hại về con người và đời sống kinh tế – xã hội tại quê nhà đang là nỗi lo chung của mọi người Việt Nam đang sống ở nước ngoài. Và để nắm bắt, hiểu đúng tình hình thực tế đất nước, họ phải chọn lọc giữa vô vàn tin tức đúng – sai, thật – giả từ truyền thông.

Qua bài viết mới gửi đến Báo Nhân Dân, tác giả Hồ Ngọc Thắng ở CHLB Đức cho thấy đối với người Việt Nam ở nước ngoài, việc thường xuyên nắm bắt thông tin chính thống từ trong nước cũng như các đánh giá khách quan của báo chí nước ngoài là phương thức tốt nhất giúp hiểu rõ tình hình đất nước, từ đó đồng lòng, chung sức, chia sẻ với khó khăn của quê hương.

Là con dân nước Việt hiện sinh sống tại CHLB Đức, các năm qua tôi luôn vui mừng với thành công của đất nước, trăn trở với khó khăn, vất vả của đồng bào, càng không thể thờ ơ trước những diễn biến ngày càng phức tạp của đại dịch Covid-19.

Tiếp xúc với tin tức, hình ảnh từ báo chí trong nước được liên tục cập nhật và phổ biến rộng rãi, dù ở xa quê hương gần chục nghìn km, lòng tôi cũng vợi bớt lo lắng, xót xa bởi hiểu rõ Đảng, Nhà nước Việt Nam đã và đang huy động toàn bộ nguồn lực của cả hệ thống chính trị, từ trung ương đến địa phương, các ngành chức năng, lực lượng quân đội, công an, tình nguyện viên… quyết liệt chống dịch, bảo đảm an toàn sức khỏe và tính mạng cho người dân, vừa tập trung phát triển kinh tế, thực hiện an sinh xã hội.

'Áp dụng các biện pháp chống dịch' là để bảo vệ người dân!

Chính phủ không vì dân thì vì ai!

Mọi người không quản khó khăn, vất vả, nguy hiểm, nỗ lực hết mình, làm việc ngày đêm, bất chấp thời tiết khắc nghiệt, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, sống xa gia đình, người thân. Tôi rưng rưng khi thấy từng túi thực phẩm, từng túi an sinh xã hội, từng khoản tiền hỗ trợ được trực tiếp chuyển đến mỗi gia đình, hộ dân. Tôi lặng người khi thấy hình ảnh nhân viên y tế mệt lả, kiệt sức, tranh thủ ngả lưng trên vỉa hè vì đã làm việc quá nhiều. Theo tôi, bản chất các con số về gói hỗ trợ an sinh xã hội được Chính phủ Việt Nam thông qua và nhanh chóng triển khai chính là sự ưu việt của chế độ.

Trong hoàn cảnh đất nước còn nghèo, cần nhìn vào chi tiêu ngân sách từ các Nghị quyết 42/NQ-CP, 68/NQ-CP để thấy Chính phủ nỗ lực như thế nào để hỗ trợ người nghèo, người lao động bị mất việc làm vì đại dịch. Nhân đây xin nói rằng, đừng nhìn vào hàng tỷ USD, Euro mà chính phủ ở một số nước đã chi ra để cứu trợ và chống Covid-19 rồi so sánh với Việt Nam.

Tôi biết rõ vì trong thời gian dịch bệnh hoành hành, tôi không được nhận bất kỳ khoản hỗ trợ nào, dù đó là lúc lương thực, thực phẩm, xăng dầu,… đều tăng giá. Hai lần tôi được nhận phiếu hỗ trợ, mỗi lần hai cái khẩu trang, nhưng khi đến hiệu thuốc nhận khẩu trang, tôi phải trả lệ phí 3 Euro cho mỗi lần. Cũng cần lưu ý là không phải ai cũng nhận được khẩu trang, gia đình có trẻ em được nhận một khoản tiền nhưng không đủ bù vào lỗ hổng tài chính của gia đình do giá hàng hóa gia tăng.

Với tiêm vaccine phòng Covid-19 cũng vậy. Một số người rêu rao ở nước ngoài vaccine được tiêm miễn phí hoàn toàn, nhưng đó chỉ là một nửa sự thật, vì nhà nước chỉ chịu một phần chi phí, phần còn lại là do các tập đoàn bảo hiểm sức khỏe chịu trách nhiệm. Nhiều năm nay, mỗi tháng tôi đóng 900 Euro (tương đương 24 triệu VND) tiền bảo hiểm sức khỏe, vì vậy giá tiền hai mũi vaccine phòng Covid-19 rất nhỏ so với số tiền tôi đóng thường xuyên cho công ty bảo hiểm sức khỏe. Trong khi đó ở Việt Nam, toàn dân được tiêm vaccine miễn phí từ ngân sách nhà nước, Nhà nước chịu trách nhiệm chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh liên quan trực tiếp điều trị Covid-19.

Theo suy nghĩ của tôi, không nên so sánh số người bị lây nhiễm, tử vong vì Covid-19 giữa các quốc gia, song do một số người cố tình phóng đại số người bị lây nhiễm, bị tử vong vì Covid-19 ở Việt Nam để gây sợ hãi, bức xúc nhằm đổ lỗi cho Chính phủ, phủ nhận nỗ lực phòng, chống dịch của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam nên tôi buộc phải nói rằng: Dù số lượng người bị nhiễm, bị tử vong trong làn sóng thứ tư đại dịch Covid-19 ở Việt Nam cao hơn thì nếu so sánh con số cụ thể với các nước trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam vẫn ở nhóm quốc gia thiệt hại thấp về con người.

Đó là thực tế không thể phủ nhận. Báo chí trên thế giới đã đề cập khá nhiều tới việc Việt Nam nhanh chóng, kịp thời triển khai công tác phòng, chống đại dịch, và coi đó là điểm mấu chốt đầu tiên. Như đài Làn sóng Đức – Hãng truyền thông công cộng quốc tế của Đức, đăng bài “Việt Nam tuyên chiến với Corona”, trong đó tác giả khẳng định khi dịch bệnh mới xảy ra, dù tình hình dịch bệnh vô cùng phức tạp thì Chính phủ Việt Nam vẫn cương quyết xử lý và “Phát biểu của ngài Thủ tướng: “Mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân, mỗi khu dân cư phải là một pháo đài phòng, chống dịch” đã chạm tới trái tim người Việt Nam. Họ tự hào về dân tộc, họ sẵn sàng chịu đựng gian khổ, sát cánh cùng nhau vượt qua khủng hoảng”.

Đặc biệt, qua theo dõi, tôi thấy một số trang mạng, một số người ở nước ngoài luôn né tránh sự thật nói lên truyền thống “tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách” tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Còn nhớ năm 1945, khi Nhà nước Việt Nam non trẻ mới ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động “Tuần lễ Vàng” nhằm huy động sức dân cùng Chính phủ tháo gỡ khó khăn của đất nước.

Và hôm nay nhìn về Tổ quốc, tôi lại thấy “Quỹ vaccine phòng Covid-19” và rất nhiều hoạt động từ thiện đã nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt của toàn dân, toàn xã hội. Không chỉ những doanh nghiệp, mà cả người có thu nhập bình thường cũng hăng hái tham gia. Người thân, bạn bè cho tôi biết, người dân quê tôi rất nhiệt tình ủng hộ đồng bào vùng dịch bệnh đang hoành hành. Cân cá khô hay vừng, lạc, quả bí, quả bầu,… có thể ít giá trị tiền bạc, nhưng lại chứa đựng điều cha ông nhắn nhủ “bầu ơi thương lấy bí cùng”, với mong mỏi góp phần nhỏ chia sẻ, giúp người khác vượt khó khăn.

Hàng chục năm sinh sống và định cư ở nước ngoài, tôi chưa hề thấy việc như thế ở nơi tôi đang sống. Có thể sự khác nhau trong quan niệm, tình cảm đã chi phối hành động của người Việt Nam khác với người ở nước khác, nhưng đối với tôi đó là truyền thống rất tự hào. Khi truyền thống có chỗ dựa vững chắc là vai trò tổ chức, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân sẽ làm cho khối đoàn kết toàn dân tộc càng thêm vững mạnh. Đảng vì dân, dân tin Đảng, Nhà nước của dân, do dân, vì dân là cội nguồn của tất cả. Về điều này, trong bài “Thành công của Việt Nam trong việc chống lại virus” đăng ngày 16/2/2021 trên Tạp chí Đông Nam Á (ấn phẩm đối thoại chính trị, văn hóa) đã viết: “Hiếm có ở quốc gia nào mà mọi tầng lớp nhân dân, không phân biệt vùng miền, sắc tộc, tôn giáo đều cùng nhau đồng hành trong cuộc chiến chống dịch bệnh như ở Việt Nam.

89% người Việt Nam được khảo sát đã ủng hộ quyết định của Chính phủ giảm tiếp xúc xã hội để phòng, chống dịch bệnh. Vậy đâu là lý do giải thích sự chấp nhận rất cao của xã hội? Lý do quan trọng nhất chắc chắn là tiếp cận toàn diện của Chính phủ để chống lại virus đã giúp tránh được sự bất an trong dân chúng… Người dân thấy được bảo vệ bởi nhà nước của mình”. Tôi nghĩ, nhận định này là điều ở Việt Nam vẫn khẳng định là “ý Đảng – lòng dân”.

Trong bối cảnh kết quả phòng, chống Covid-19 của Việt Nam nhận được đánh giá tích cực của dư luận nước ngoài thì điều đáng buồn là thay vì cùng đồng bào phòng, chống đại dịch, một số người liên tục xuất hiện trên mạng xã hội, trả lời phỏng vấn các địa chỉ truyền thông thù địch ở nước ngoài để bới móc, xuyên tạc mọi nỗ lực của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân Việt Nam. Họ phát tán, lan truyền thông tin độc hại, sai trái, xuyên tạc các chỉ thị, quy định của chính quyền nhằm gây nghi ngờ với đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong phòng, chống đại dịch.

Đọc cái gọi là “kiến nghị” gần đây của một số người tôi rất ngạc nhiên, vì nội dung họ “kiến nghị” đã được Đảng, Chính phủ ráo riết triển khai từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam, đến nay vẫn vừa triển khai, vừa hoàn thiện. Cụ thể nhất là ngày 6/8/2021, mới đây, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 86/NQ-CP “Về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 để thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội khóa XV”.

Họ không dám đối diện sự thật, hay không quan tâm đến sự phi lý khi hạch sách “yêu cầu” Chính phủ làm những việc mà trên thực tế cũng như quy định pháp luật hoàn toàn không cần đến ý kiến của họ? Và thực tế Chính phủ cũng đã và đang làm rất tốt. Về phần mình, tôi rất phấn khởi, càng tin tưởng khi tiếp nhận nội dung của văn bản này, đặc biệt sau khi được biết theo đánh giá của các chuyên gia, Nghị quyết số 86/NQ-CP được ban hành kịp thời, đầy đủ, đúng trọng tâm, cập nhật cụ thể những giải pháp có tính thực tiễn cao, sâu sát từng vấn đề, mở đường, tạo điều kiện để các bộ, ngành, địa phương chủ động trong biện pháp chống dịch…, đồng thời thể hiện rõ tính nhân văn của chính sách, với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong đại dịch.

Như tôi biết, thời kỳ đầu một số người Việt ở nước ngoài vì thiếu thông tin hoặc nhẹ dạ nên bị lừa bịp rồi nghi ngờ, song sau khi tiếp nhận tin tức chính thức từ Việt Nam, hiểu rõ thực chất các vụ việc, đã nhận ra sự dối trá của kẻ xấu, và nhận thức được rằng đồng bào ở quê nhà đang đoàn kết cùng Đảng, Nhà nước, Chính phủ, nỗ lực phòng, chống đại dịch, tùy điều kiện đóng góp sức người, sức của. Mới đây, ông Omid Nouripour thuộc Đảng Xanh ở Đức thì: “Đại dịch sẽ chỉ bị đánh bại khi bị đánh bại trên toàn thế giới”, tôi nghĩ đó là ý kiến đúng đắn.

Đại dịch Covid-19 không chỉ đe dọa một quốc gia hoặc một khu vực của thế giới mà là mối đe dọa toàn cầu, nên để chiến thắng đại dịch, cần có sự phối hợp hành động của toàn thế giới. Thời gian gần đây, những hỗ trợ về vaccine, thiết bị, vật tư y tế, nguồn lực phòng, chống dịch bệnh đã đến Việt Nam từ nhiều nước, đó là thí dụ cho thấy sự phối hợp toàn cầu để phòng, chống Covid-19 là rất cần thiết.

Tôi rất tâm đắc với tinh thần chỉ đạo đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện trong Lời kêu gọi phòng, chống đại dịch Covid-19: “Chúng ta đã cố gắng rồi phải cố gắng hơn nữa, đã nỗ lực rồi phải nỗ lực hơn nữa, đã đoàn kết phải đoàn kết hơn nữa, đã quyết tâm rồi phải quyết tâm cao hơn nữa, đã hiệu quả rồi phải hiệu quả hơn nữa”. Trong các giai đoạn trước, bằng nội lực của mình, dân tộc Việt Nam đã lập nên nhiều kỳ tích. Và vì thế tôi càng thêm tin tưởng rằng dưới sự tổ chức, lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, nội lực đó tiếp tục phát huy để bảo vệ nhân dân vượt qua đại dịch, đưa đất nước tiếp tục phát triển.

Hồ Ngọc Thắng (CHLB Đức/báo Nhân dân điện tử)

Nguồn: Đấu trường Dân chủ

CÓ THỂ BẠN MUỐN XEM

4 COMMENTS

  1. Rõ ràng, những lời lẽ xuyên tạc, bịa đặt này là nhằm phủ nhận những kết quả của Việt Nam trong cuộc chiến với COVID-19, đồng thời vẽ nên một bức tranh với những gam màu tối về Việt Nam trong đại dịch, sâu xa hơn là nhằm làm suy giảm niềm tin của Nhân dân với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta.

  2. Để quay lại trạng thái bình thường mới, các chuyên gia thống nhất cần tiếp tục đẩy mạnh việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho 100% đối tượng theo quy định của Bộ Y tế; đảm bảo hệ thống điều trị đầy đủ thuốc, oxy, các trang thiết bị cần thiết đề điều trị hiệu quả cho bệnh nhân COVID-19, giảm tối đa tỷ lệ tử vong. Trong thời gian tới, các lực lượng cần tiếp tục tăng cường mọi hướng tiếp cận nguồn vaccine, đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất trong nước để có vaccine sớm nhất.

  3. Việc lợi dụng những thời điểm khó khăn của đất nước và nhân dân để chống phá đất nước của các thế lực thù địch, phản động không phải là mới. Chúng ta cũng đã thấy rõ động cơ bất lương này trong những ngày đại dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp ở Việt Nam.

  4. Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, gây tổn hại về con người và đời sống kinh tế – xã hội tại quê nhà đang là nỗi lo chung của mọi người Việt Nam đang sống ở nước ngoài. Và để nắm bắt, hiểu đúng tình hình thực tế đất nước, họ phải chọn lọc giữa vô vàn tin tức đúng – sai, thật – giả từ truyền thông.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

KẾT NỐI

0FansLike
455FollowersFollow
51SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

LUẬN BÀN-PHẢN BIỆN

ĐỐI TƯỢNG