18 C
Hanoi
Thứ Ba, Tháng Ba 19, 2024

Bầu cử ở Việt Nam – dân chủ và tiến bộ

Ngày 23/5/2021, cử tri cả nước tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 (Cuộc bầu cử) thành công tốt đẹp. Đây chính là câu trả lời đanh thép phản bác luận điệu xuyên tạc về tính dân chủ, tiến bộ của bầu cử ở Việt Nam mà một số người ra sức thực hiện nhằm phục vụ những mưu đồ chính trị đen tối.

Dân chủ là một nội dung quan trọng, xuyên suốt của mục tiêu cách mạng Việt Nam; trong đó, toàn bộ quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, do nhân dân thực hiện trực tiếp, thông qua cơ quan đại diện do nhân dân bầu ra. Cũng như các cuộc bầu cử trước, nêu cao trách nhiệm công dân, cử tri cả nước đã gửi trọn niềm tin thông qua lá phiếu bầu chọn đại biểu xứng đáng hơn trong số các đại biểu xứng đáng vào cơ quan quyền lực của Nhà nước và địa phương, làm cơ sở để Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp thể chế hóa mục tiêu: “phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”1. Thành công của Cuộc bầu cử một lần nữa khẳng định bầu cử ở Việt Nam là hết sức dân chủ và tiến bộ. Sự dân chủ và tiến bộ ấy được thể hiện trên một số nội dung cơ bản sau:

Một là, mục đích bầu cử ở Việt Nam là nhằm xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân – quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước ta trong suốt tiến trình cách mạng. Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Vì vậy, nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua lá phiếu cử tri để bầu cơ quan quyền lực Nhà nước và ở địa phương: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà… Do Tổng tuyển cử mà toàn dân bầu ra Quốc hội. Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ. Chính phủ đó thật là Chính phủ của toàn dân”2. Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên được tổ chức vào ngày 06/01/1946, đánh dấu bước phát triển nhảy vọt vĩ đại của dân tộc ta về thể chế dân chủ theo xu hướng phát triển tiến bộ của lịch sử nhân loại.

Kể từ đó, dù trong hoàn cảnh lịch sử khó khăn, khắc nghiệt nào, Đảng và Nhà nước ta cũng kiên trì thực hiện chế độ bầu cử dân chủ để xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Để bảo đảm quyền dân chủ của nhân dân, Hiến pháp nước ta quy định rõ: mọi cử tri có đầy đủ quyền bầu cử, ứng cử và quyền bãi miễn đối với đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Đảng ta luôn nhất quán chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp thật dân chủ, công khai, minh bạch, lựa chọn được những người có đức, có tài, đủ năng lực đảm đương những trọng trách của quốc gia, dân tộc. Chỉ thị số 45-CT/TW, ngày 20/6/2020 của Bộ Chính trị về lãnh đạo Cuộc bầu cử, yêu cầu: “Kiên quyết không giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người sa sút về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, xu nịnh, kiêu ngạo, quan liêu, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước”. Sự chỉ đạo cương quyết ấy nhằm hướng tới: “Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước”3.

Bầu cử ở Việt Nam - dân chủ và tiến bộCử tri đi bỏ phiếu bầu cử Đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Nguồn: laodong.vn

Hai là, bầu cử ở Việt Nam tiến hành dựa trên nguyên tắc dân chủ và tiến bộ. Bầu cử là một thiết chế để bảo đảm dân chủ, thực hành và thực thi dân chủ. Quá trình bầu cử phải được thực hiện dựa trên hệ thống những nguyên tắc căn bản, được cụ thể hóa bởi luật bầu cử của mỗi nước. Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân nước ta quy định bốn nguyên tắc bầu cử: “phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín”.

Nguyên tắc phổ thông đầu phiếu để bảo đảm mọi công dân không phân biệt dân tộc, nam, nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, thời hạn cư trú (trừ những người mất trí hay những người bị tước quyền bầu cử trên cơ sở của pháp luật), đến tuổi trưởng thành đều được quyền bầu cử. Mọi công dân cư trú thường xuyên hoặc tạm trú đều được ghi tên vào danh sách cử tri và được niêm yết công khai chậm nhất là 40 ngày trước ngày diễn ra bầu cử; danh sách ứng cử viên được lập và niêm yết công khai chậm nhất là 20 ngày trước ngày diễn ra bầu cử để cử tri tìm hiểu và lựa chọn.

Nguyên tắc bình đẳng quy định: mỗi cử tri có một phiếu bầu đối với một cuộc bầu cử và giá trị phiếu bầu như nhau không phụ thuộc vào giới tính, địa vị xã hội, sắc tộc, tôn giáo, v.v. Mỗi cử tri chỉ được ghi tên vào danh sách cử tri ở một nơi cư trú; mỗi ứng cử viên chỉ được ghi tên ứng cử ở một đơn vị bầu cử; mỗi cử tri chỉ được bỏ một phiếu bầu. Nguyên tắc này còn đòi hỏi phải có sự phân bổ hợp lý cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu để bảo đảm tiếng nói đại diện của các vùng, miền, địa phương, các tầng lớp xã hội, các dân tộc thiểu số và phụ nữ phải có tỷ lệ đại biểu thích đáng. Riêng Quốc hội khóa XIV, đại biểu là nữ 133 người (chiếm 26,80%); dân tộc thiểu số 86 người (chiếm 17,30%); ngoài Đảng 21 người (chiếm 4,20%); tự ứng cử 02 đại biểu; có 15 ứng cử viên do Trung ương giới thiệu không trúng cử; 01 người (ông Trịnh Xuân Thanh) bị Hội đồng bầu cử quốc gia không công nhận tư cách đại biểu Quốc hội.

Nguyên tắc trực tiếp thể hiện: cử tri không được nhờ người bầu hộ, bầu thay hoặc bầu bằng cách gửi thư. Cử tri tự bỏ lá phiếu bầu vào hòm phiếu. Trường hợp cử tri không thể tự viết phiếu bầu thì nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu; người viết hộ phải bảo đảm bí mật phiếu bầu của cử tri; nếu cử tri vì tàn tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu. Trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, tàn tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến nơi ở của cử tri để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện các thủ tục bỏ phiếu.

Nguyên tắc bỏ phiếu kín để bảo đảm khách quan trong việc lựa chọn của cử tri. Cử tri bầu ai, không bầu ai đều được bảo đảm bí mật; khi cử tri viết phiếu bầu không ai được đến gần, kể cả cán bộ, nhân viên các tổ chức phụ trách bầu cử; không ai được biết và can thiệp vào việc viết phiếu bầu của cử tri; cử tri viết phiếu bầu trong buồng kín và bỏ phiếu vào hòm phiếu.

Bốn nguyên tắc trên là một chỉnh thể thống nhất, thể hiện rõ tính dân chủ và tiến bộ của thể thức bầu cử mà Việt Nam đang thực hiện. Để đảm bảo những nguyên tắc này được thực thi, Nhà nước đã cụ thể hóa nội dung của chúng thành những quy phạm pháp luật khác nhau. Tất cả các cuộc bầu cử ở Việt Nam đều thực hiện nghiêm, theo đúng những quy phạm pháp luật ấy.

Ba là, lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ và phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, toàn thể nhân dân trong tiến hành công tác nhân sự cho bầu cử. Công tác nhân sự nhằm bảo đảm phát huy dân chủ và sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng trong công tác cán bộ. Đảng lãnh đạo việc giới thiệu cán bộ, đảng viên trong cơ quan, tổ chức, đơn vị ứng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Những người được giới thiệu đều bảo đảm tiêu chuẩn, thực sự tiêu biểu về phẩm chất, đạo đức và năng lực, có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, có điều kiện thực hiện nhiệm vụ tham gia làm đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.

Cuộc bầu cử lần này, Đảng, Nhà nước và Thường vụ Quốc hội đã ban hành nhiều quy định nhằm đảm bảo nâng cao chất lượng ứng cử viên đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Cùng với đó, việc thực hiện quy trình năm bước của hiệp thương, giới thiệu người ứng cử cũng giúp cho công tác nhân sự được tiến hành kỹ lưỡng, cẩn trọng, có sự tham gia của toàn thể nhân dân và hệ thống chính trị. Các khâu, các bước hiệp thương, giới thiệu ứng cử viên và các hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc giữa cử tri với người được giới thiệu ứng cử được tổ chức chặt chẽ, đảm bảo dân chủ, bình đẳng, đúng quy định của pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi để người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử trình bày chương trình hành động của mình; qua đó, cử tri tìm hiểu, đánh giá. Quy trình đó đã thể hiện rõ dân chủ và bầu cử gắn bó mật thiết như hình với bóng; bầu cử là tự do và trung thực, vì một chế độ dân chủ ngày càng hoàn thiện và phát triển.

Bốn là, bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp được sự hưởng ứng nhiệt thành của mọi tầng lớp nhân dân, thực sự là Ngày hội của toàn dân. Ngay từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên (ngày 06/01/1946) được tổ chức trong điều kiện đất nước vô cùng khó khăn: “thù trong, giặc ngoài”, nhưng đại đa số nhân dân xúc động, tự hào tham gia bầu cử vì “… ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình”4, lựa chọn những đại biểu ưu tú tham gia cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân. Trong thực tiễn hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, các đại biểu luôn phát huy vai trò người đại biểu, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, thực hiện tốt các chức năng lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Đặc biệt, các phiên chất vấn, tranh luận trên diễn đàn Quốc hội thời gian qua luôn thu hút sự quan tâm của nhân dân cả nước, bởi không khí sôi nổi, ngắn gọn, thẳng thắn, nội dung đặt ra đúng trọng tâm, trọng điểm, đi đến tận cùng mọi sự việc. Đó thực sự là những tiếng nói tâm huyết, trí tuệ, đại diện cho quyền lực của nhân dân. Đồng thời, là minh chứng khẳng định: Quốc hội Việt Nam luôn là hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; là cơ quan đại biểu cao nhất của quyền lực Nhà nước và của nhân dân; gắn bó chặt chẽ và có trách nhiệm với các cử tri, luôn luôn đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân.

Vì thế, trong mỗi cuộc bầu cử, mọi tầng lớp nhân dân đều phấn khởi, tin tưởng, tự do thể hiện nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền làm chủ của mình thông qua lá phiếu bầu. Và ngày bầu cử đã trở thành Ngày hội của toàn dân tộc Việt Nam. Đó là minh chứng sống động khẳng định sự dân chủ và tiến bộ trong bầu cử ở Việt Nam.

TS. NGUYỄN MINH CƯỜNG, Trường Sĩ quan Chính trị
___________________

1 – ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập II, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 326.

2 – Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 2011,  tr. 153.

3 – ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập II, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 332.

4 – Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 168.

Nguồn: Đấu trường Dân chủ

CÓ THỂ BẠN MUỐN XEM

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

KẾT NỐI

0FansLike
455FollowersFollow
51SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

LUẬN BÀN-PHẢN BIỆN

ĐỐI TƯỢNG