17 C
Hanoi
Thứ Ba, Tháng Ba 19, 2024

Lý do Đặng Tiểu Bình chọn Hứa Thế Hữu và Dương Đắc Chí làm tư lệnh 2 cánh quân xâm lược Việt Nam năm 1979?

Điều làm Đặng yên tâm về hai tướng này là trong lúc khá nhiều tướng lĩnh cao cấp khác có tình cảm với Việt Nam, thậm chí còn yêu quý, khâm phục một số tướng Việt Nam thì Hữu và Chí lại có thái độ ghét Việt Nam ra mặt.

Vào ngày 11/2/1979, hai ngày sau khi Đặng Tiểu Bình quay trở về Bắc Kinh từ các chuyến đi của ông ta sang Hoa Kỳ và Nhật Bản, một hội nghị Bộ Chính trị mở rộng đã được triệu tập.

Đặng Tiểu Bình đã phát biểu rành mạch các yêu cầu căn bản cho cuộc tấn công vào Việt Nam, và sau đó một lệnh tiến hành cuộc tấn công vào Việt Nam hôm 17/2 đã được truyền ra cho các cấp chỉ huy Quảng Tây và Vân Nam.

Đây là ngày mà các nhà quan sát quốc tế đã dự liệu từ lâu. Họ đồn đại rằng việc ấn định thời biểu của một cuộc công kích có thể liên hệ chặt chẽ với các yếu tố thời tiết: nó sẽ không thuận lợi để thực hiện các hoạt động quân sự trong mùa mưa, thường bắt đầu trong tháng Tư, hay để tấn công quá sớm khi các lực lượng Xôviết có thể băng ngang các con sông đang đóng băng dọc biên giới Trung Quốc – Liên Xô.

Lý do Đặng Tiểu Bình chọn Hứa Thế Hữu và Dương Đắc Chí làm tư lệnh 2 cánh quân xâm lược Việt Nam năm 1979?

Đặng Tiểu Bình. (Ảnh: Soha)

Đặng Tiểu Bình và các nhà lãnh đạo Trung Quốc khác đã sẵn tính toán một cách cẩn thận sự phân nhánh (mũi tấn công) khả dĩ một khi các binh sĩ của họ băng qua biên giới Việt Nam. Họ đã giới hạn phạm vi, thời gian và không gian cho cuộc chiến tranh và đặt tên cho nó là một cuộc “hoàn kích tự vệ”, trong nỗ lực làm giảm thiểu bất kỳ các phản ứng tiêu cực nào trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, một khi cuộc chiến tranh đã được khởi động, trong khi Đặng chăm chú theo dõi những gì đang diễn ra, và đã chỉ đưa ra ít mệnh lệnh và chỉ thị cụ thể (trái với phong cách lãnh đạo của Mao Trạch Đông).

Đặng chia “mặt trận phương Nam“ làm cánh quân phía Đông và cánh quân phía Tây, và giao cho Hứa Thế hữu và Dương Đắc Chí chỉ huy.

Sở dĩ Đặng chọn Hữu và Chí là bởi vì hai tướng này đã từng kinh qua nhiều trận mạc và trưởng thành từ Vạn lý Trường chinh. Điều làm Đặng yên tâm về hai tướng này là trong lúc khá nhiều tướng lĩnh cao cấp khác có tình cảm với Việt Nam, thậm chí còn yêu quý, khâm phục một số tướng Việt Nam thì Hữu và Chí lại có thái độ ghét Việt Nam ra mặt.

Khi Đặng thăm dò thái độ thái độ của các tướng về ý định tấn công “cho Việt Nam một bài học” thì Hữu và Chí ủng hộ ngay và còn tỏ ý được trực tiếp cầm quân.

Hứa Thế Hữu từ kẻ có tội trở thành thân tín của Mao Trạch Đông

Hứa Thế Hữu (28/2/1905 – 22/10/1985) sinh ra trong một gia đình bần cố nông tại Tân Huyện, thành phố Tín Dương, tỉnh Hà Nam. Tên gọi khi mới sinh (nhũ danh) là Tam Nha Tử, tự là Hán Vũ.

Vì nghèo đó nên Hứa Thế Hữu phải xin vào làm tạp dịch trong chùa Thiếu Lâm ở Cao Sơn, tỉnh Hà Nam từ năm lên 8 tuổi. Và ông đã bái Hòa thượng Trinh Tự làm thầy dạy võ, rồi được gọi với pháp danh Vĩnh Tường.

Sau khi rời chùa Thiếu Lâm, ông đổi tên thành Hứa Thích Hữu, mãi sau này mới gọi là Hứa Thế Hữu. Được biết, chỉ trong 8 năm, nhờ chuyên tâm rèn luyện, nên sau khi rời chùa Thiếu Lâm, Hứa Thế Hữu đã nắm được nhiều tuyệt kỹ công phu và việc này đã giúp ông rất nhiều trong các cuộc chiến, nhất là Vạn lý Trường chinh.

Lý do Đặng Tiểu Bình chọn Hứa Thế Hữu và Dương Đắc Chí làm tư lệnh 2 cánh quân xâm lược Việt Nam năm 1979?

Hứa Thế Hữu, Tổng chỉ huy cánh quân phía Đông đến gặp động viên trước khi xua quân xâm lược Việt Nam. (Ảnh: Tư liệu Trung Quốc)

Trước khi tham gia cuộc khởi nghĩa Hoàng Ma và gia nhập Đảng Cộng sản (tháng 11/1927), Hứa Thế Hữu đầu quân cho Ngô Bội Phù và từng là Tiểu đoàn trưởng. Vì từng là thân cận của Trương Quốc Đạo (một trong những nhà lãnh đạo thời kỳ đầu của Đảng Cộng sản, sau phản bội theo Quốc dân Đảng) nên Hứa Thế Hữu đã bị đấu tố sau khi về hội quân với Mao Trạch Đông năm 1936.

Bởi Hứa Thế Hữu từng là Sư đoàn trưởng thuộc Phương diện quân Hồng Tứ do Trương Quốc Đạo chỉ huy. Và do không chịu được cảnh đấu tố, nên Hứa Thế Hữu đã bàn với Vương Kiến An, Chiêm Tài Phương và Ngô Thế An, để chạy về với Lưu Tử Tài (từng là thuộc hạ của Hứa Thế Hữu, đang chỉ huy khoảng 10.000 người ở Tứ Xuyên).

Nhưng việc này bị bại lộ (Vương Kiến An báo khiến Mao Trạch Đông vô cùng tức giận) và vụ án “Tập đoàn phản cách mạng Hứa Thế Hữu” hồi tháng 4/937 đã khiến vợ Hứa Thế Hữu là Lôi Minh Trân quyết định ly hôn. Sau khi quy thuận Mao Trạch Đông, Hứa Thế Hữu không những không bị buộc tội, mà còn trở thành thân tín của Chủ tịch Mao.

Trong thời kỳ chống Nhật, Hứa Thế Hữu là Lữ đoàn phó 386, Sư đoàn 129 của Bát lộ quân, rồi Lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng và Tư lệnh Quân khu Giao Đông. Sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập (1/10/1949), Hứa Thế Hữu được bổ nhiệm làm Tư lệnh quân khu Sơn Đông.

Năm 1953, Hứa Thế Hữu chỉ huy Tập đoàn quân số 3 tham chiến tại Triều Tiên. Năm 1954, Hứa Thế Hữu về nước và được bổ nhiệm làm Phó Tư lệnh thứ hai quân khu Hoa Đông, rồi Phó Tổng tham mưu trưởng (tháng 10/1954).

Đầu năm 1955, Hứa Thế Hữu được phong quân hàm Thượng tướng. Tới tháng 3/1955, Hứa Thế Hữu được bổ nhiệm làm Tư lệnh quân khu Nam Kinh. Năm 1959, được bổ nhiệm làm Tư lệnh Quân khu Quảng Châu, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, phụ trách bảo vệ khu vực duyên hải vùng Đông Nam.

Trong sự kiện “bè lũ Lâm Bưu”, Hứa Thế Hữu được Mao Trạch Đông gọi tới Trung Nam Hải (trung tuần tháng 9/1971), giao nhiệm vụ bắt những người theo Lâm Bưu như Vương Duy Quốc.

Cuối năm 1973, Hứa Thế Hữu được bổ nhiệm làm Tư lệnh Quân khu Quảng Châu.

Tháng 1/1974, Hứa Thế Hữu được giao chỉ huy đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa.

Với một vị tướng có bề dày trận mạc như vậy, tính cách lại pha chút “giang hồ” thì không có lý do gì mà không “chiến thắng” – Đặng tin tưởng như vậy. Hơn nữa, từ trong sâu thẳm, Đặng cũng có chút chịu ơn Hữu, bởi lẽ, khi Đặng bị đấu tố lần hai, chính Hữu là người đã có tiếng nói bảo vệ Đặng.

Khi nhận lệnh đánh Việt Nam, Hứa Thế Hữu là Tư lệnh Quân khu Quảng Châu, đảm trách cánh quân phía Đông tác chiến từ Cao Bằng tới Móng Cái. Trong khi đó, Dương Đắc Chí đánh từ Lào Cai ngược sang Phong Thổ, Lai Châu.

Nhiều tài liệu và học giả cho rằng, Đặng Tiểu Bình đã bỏ qua cơ chế chỉ huy thông thường, khi trực tiếp để Hứa Thế Hữu tấn công từ phía Đông (Quảng Tây), và điều động Dương Đắc Chí, từ quân khu Vũ Hán xuống chỉ huy cánh quân phía Tây (tiến từ Vân Nam đánh vào Việt Nam), bỏ qua vai trò của Tư lệnh Quân khu Côn Minh của tướng Vương Tất Thành.

Đầu năm 1979, Hứa Thế Hữu được giao chỉ huy đánh Việt Nam, với tư cách Tư lệnh Quân khu Quảng Châu, nhưng sau đó bị coi đánh trận không bằng Dương Đắc Chí.

Ngoài chức Ủy viên thường vụ Quân ủy Trung ương, Hứa Thế Hữu còn là Ủy viên Ủy ban Quốc phòng 3 khóa liền (1, 2 và 3); Ủy viên dự khuyết rồi Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa 8; Ủy viên Bộ Chính trị 3 khóa liền (9, 10 và 11). Đến năm 1982, Hứa Thế Hữu được bầu là Ủy viên thường vụ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Cố vấn Trung ương.

Tháng 3/1985, Bệnh viện Hoa Đông, Thượng Hải chẩn đoán Hứa Thế Hữu bị ung thư gan. Và vào hồi 16h57 ngày 22/10/1985, Hứa Thế Hữu chết tại bệnh viện của Quân khu Nam Kinh.

Dương Đắc Chí ‘kẻ đóng thế’ Hứa Thế Hữu

Dương Đắc Chí (3/1/1911 – 25/10/1994) sinh ra tại thôn Tam Vọng Xung, xã Nam Dương Kiều, huyện Chu Châu, thành phố Chu Châu, tỉnh Hồ Nam, trong một gia đình có bố làm thợ rèn, với 14 anh chị em và phải ở nhờ trong 2 gian nhà tranh của người khác cho mượn.

Vì nhà nghèo, lại đông anh chị em, nên Dương Đắc Chí (còn gọi là Dương Kính Đường) phải bỏ học, theo nghề bố (thợ rèn) từ bé. 11 tuổi mẹ chết vì bệnh, nên Dương Đắc Chí phải đi chăn trâu thuê. 14 tuổi Dương Đắc Chí theo anh trai tới mỏ than An Nguyên, tỉnh Giang Tây để mưu sinh. 16 tuổi Dương Đắc Chí quay về tỉnh Hồ Nam làm phu lục lộ để kiếm sống.

Tháng 2/1928, Dương Đắc Chí gia nhập Hồng quân (do Chu Đức và Trần Nghị chỉ huy sau khởi nghĩa Tương Nam), đến tháng 10/1928, gia nhập Đảng Cộng sản.

Khi tham gia Vạn lý Trường chinh, Dương Đắc Chí được bổ nhiệm làm Sư đoàn phó số 1, rồi Sư đoàn trưởng số 2.

Trong thời kỳ chống Nhật, Dương Đắc Chí từng là Tiểu đoàn trưởng 685 của Sư đoàn 115, Lữ đoàn trưởng 344, rồi Tư lệnh Quân khu Ký Lỗ Dự. Sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập (1/10/1949), Dương Đắc Chí được bổ nhiệm làm Tư lệnh Quân khu tỉnh Thiểm Tây kiêm Tư lệnh Binh đoàn 19.

Năm 1951, Dương Đắc Chí được cử sang Triều Tiên tham chiến. Ngày 11/7/1952, Dương Đắc Chí được bổ nhiệm làm Tư lệnh thứ hai của “Quân Chí nguyện” Trung Quốc tại Triều Tiên.

Đến tháng 11/1954, Dương Đắc Chí được bổ nhiệm làm Tư lệnh “Quân Chí nguyện” Trung Quốc tại Triều Tiên. Năm 1955, Dương Đắc Chí được bổ nhiệm làm Tư lệnh Quân khu Tế Nam. Cũng trong năm 1955, Dương Đắc Chí được phong quân hàm Thượng tướng. Và từ năm 1969, Dương Đắc Chí là Ủy viên Quân ủy Trung ương, Bí thư thứ nhất Tỉnh ủy Sơn Đông. Tháng 12/1973, Dương Đắc Chí được bổ nhiệm làm Tư lệnh Quân khu Vũ Hán.

Tháng 1/1979, Dương Đắc Chí được bổ nhiệm làm Tư lệnh quân khu Côn Minh. Sau khi kết thúc cuộc chiến xâm lược Việt Nam, Dương Đắc Chí được bổ nhiệm làm Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc.

Theo như phía Trung Quốc tô vẽ thì bởi ông ta có thành tích “tiêu diệt hơn 37.300 quân địch, bắt sống hơn 2.200 tù binh, thu giữ nhiều vũ khí cùng trang thiết bị của đối phương, cũng như phá hủy nhiều cơ sở quân sự ở khu vực phía Bắc Việt Nam”.

Sau khi Hứa Thế Hữu thất bại nặng nề trong những ngày đầu của cuộc chiến bên giới Việt-Trung do áp dụng sai lầm chiến thuật biển người, nên Dương Đắc Chí được Đặng Tiểu Bình trao toàn quyền chỉ huy.

Có lẽ vì Đặng Tiểu Bình muốn sử dụng một người có kinh nghiệm trận mạc và am hiểu Việt Nam chỉ huy cuộc chiến, nên Dương Đắc Chí mới được đặt vào vị trí này. Bởi ông từng là Tư lệnh “Quân Chí nguyện” Trung Quốc thời chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).

Năm 1980, Dương Đắc Chí được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, Phó Bí thư, Ủy viên thường vụ Quân ủy Trung ương. Tháng 2/1980, Dương Đắc Chí được bầu làm Bí thư Ban Bí thư, sau đó trở thành Ủy viên Bộ Chính trị khóa 12.

Dương Đắc Chí là 1 trong “tam Dương” của quân đội Trung Quốc: Dương Thành Vũ, Dương Dũng và Dương Đắc Chí.

Dương Đắc Chí là Ủy viên Ủy ban Quốc phòng 3 khóa liền (1, 2 và 3); là Ủy viên dự khuyết rồi Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa 8; là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương từ khóa 9 đến khóa 12, là Bí thư Ban Bí thư khóa 11, là Ủy viên Bộ Chính trị khóa 12. Dương Đắc Chí từng viết thư ngỏ viết gửi Đặng Tiểu Bình không nên dùng quân đội đàn áp sinh viên ở Thiên An Môn.

Ngày 25/10/1994, Dương Đắc Chí chết vì bệnh tật tại Bắc Kinh.

Nguyễn Như Phong (VTC News)

Nguồn: Đấu trường dân chủ

CÓ THỂ BẠN MUỐN XEM

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

KẾT NỐI

0FansLike
455FollowersFollow
51SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

LUẬN BÀN-PHẢN BIỆN

ĐỐI TƯỢNG