18 C
Hanoi
Thứ Ba, Tháng Ba 19, 2024

Hóa đơn tiền điện lại tăng vọt mùa COVID-19

Nhiều người dân ở TP Hồ Chí Minh đã bị “sốc” khi thấy hóa đơn tiền điện tháng này tăng chóng mặt, gấp rưỡi, gấp đôi so với những tháng trước…

Chị Nguyễn Hồng Hà (cư dân ở chung cư Mỹ Viên, khu Phú Mỹ Hưng, phường Tân Phú, quận 7 TP Hồ Chí Minh) tỏ ra bất ngờ khi nhận được thông báo hóa đơn tiền điện ngày 15/6/2021: “Nhận hóa đơn tiền điện tháng này mà tôi ‘mém xỉu’, cao gần gấp đôi tháng trước, hơn 5 triệu đồng…”.

Theo chị Hồng Hà, gia đình chị có tất cả 4 người ở căn hộ có 3 phòng ngủ nhưng chỉ hai phòng thường mở máy lạnh. Trước giờ tiền điện mỗi tháng chỉ tầm 3 triệu đồng, vậy mà không hiểu sao tháng này lại tăng vọt lên hơn 5 triệu đồng.

Hóa đơn tiền điện lại tăng vọt mùa COVID-19
Hóa đơn tiền điện hơn 5 triệu đồng của nhà chị Hồng Hà.

“Dù dùng nhiều điện đi nữa thì cũng không thể nào dùng gần gấp đôi bình thường như vậy được. Bản thân tôi quán xuyến trong nhà và biết rõ cả nhà xài cũng không nhiều hơn, hơn 2 tuần nay giãn cách xã hội nên chúng tôi chủ yếu ở nhà nên đồ giặt tuần chỉ 2 lần thay vì 3 lần như lúc đi làm, còn máy lạnh xài hơn một chút thôi mà tiền điện gần gấp đôi, quá choáng luôn”, chị Hồng Hà giãi bày.

Câu chuyện của chị Hà sau khi được chia sẻ lên mạng xã hội đã nhận được nhiều đồng cảm từ bạn bè khi chung cảnh ngộ. Chị Nguyễn Thị Điệp (ngụ quận Bình Thạnh)cho biết, nhà chị gần đây thường chỉ có 3 người ở nhà nhưng tiền điện tháng này đã tăng lên 2,3 triệu đồng. Trong khi các tháng trước đó, tiền điện chỉ vào tầm từ 1 đến 1,2 triệu đồng. Hay như anh Xuân Hồng (ngụ TP Thủ Đức) cũng cho biết tháng này tiền điện của nhà anh cũng lên tới 4,3 triệu đồng…

Lý giải vấn đề này, Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh (EVNHCM) cho biết, lượng điện tiêu thụ của thành phố trong tháng 5 có ngày vọt lên 90,69 triệu kWh; chỉ tính trong tuần từ ngày 10/5 đến ngày 16/5 đã đạt mức kỷ lục với 602 triệu kwh/tuần (mức tiêu thụ kỷ lục này bằng 153% so với bình quân tuần trong tháng 2/2021).

Tiếp tục, tới tuần cuối tháng 5 (từ ngày 24 tới 30/5) là 515,68 triệu kWh, tuần đầu tiên của tháng 6 (từ 31/5 đến 6/6) khi thực hiện giãn cách xã hội là hơn 559,6 triệu kWh, tăng 8,52% so với tuần trước đó, cao hơn 2,65% so cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, trong ngày 1/6, lượng điện tiêu thụ tại TP Hồ Chí Minh cũng lên hơn 84,248 triệu kWh, cao hơn nhiều mức trung bình trong tuần chỉ 79,943 triệu kWh và cao hơn nhiều so mức trung bình tuần trước đó (khoảng 73,6 triệu kWh)…

Hóa đơn tiền điện lại tăng vọt mùa COVID-19
Do việc tính “nhảy bậc” trong sản lượng điện tiêu thụ khiến việc xài điện càng cao, tiền điện càng tăng vọt.

Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh cũng cho biết việc tiêu thụ điện tăng cao với các mốc kỷ lục là lý do chính khiến tiền điện các kỳ tháng 4, tháng 5 tăng cao so với kỳ tháng 3. Việc gia tăng tiêu thụ điện tương ứng với nhiệt độ mùa nắng nóng khi khách hàng sử dụng các thiết bị làm mát nhiều hơn, và đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc tiêu thụ điện tăng cao trong mùa nắng nóng.

Đồng thời, cũng có thể kể một số lý do khác như thành phố thực hiện việc giãn cách xã hội phòng chống dịch COVID-19, học sinh nghỉ học, tỷ lệ người làm việc online tại nhà nhiều hơn đến công sở… cũng khiến việc tiêu thụ điện năng gia đình tăng mạnh.

Nhưng có một lý do đáng nói khác là vấn đề “nhảy bậc” trong sản lượng điện tiêu thụ khiến việc xài điện càng cao, tiền điện càng tăng vọt, nhất là các trường hợp tiêu thụ từ dưới 200 kwh/tháng tăng lên trên 200 kwh/tháng ứng với các bậc 4 – 6 có mức tăng trên 150% so với bậc 1.

Như bên trên đã đề cập, thời tiết nắng nóng là nguyên nhân chính làm tăng tiêu thụ điện, và theo Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh, chính nguyên nhân này đã dẫn đến tỷ lệ khách hàng dùng điện ở bậc thang 5 và 6 theo biểu giá điện hiện hành tăng lên 41,52% so với chỉ 17% ở những tháng có nền nhiệt bình thường. Tương ứng với sản lượng điện tăng, tiền điện cũng sẽ tăng cao. Đáng nói, tỷ lệ tăng tiền điện sẽ cao hơn tỷ lệ tăng điện năng sử dụng do phần điện năng tăng thêm sẽ áp giá bậc thang cao và duy trì ở bậc 6 có giá 2.927đồng/kWh cho lượng điện dùng từ 401 kWh.

Liên quan biểu giá tính tiền điện lũy tiến 6 bậc, trong năm 2020, Bộ Công Thương đã xây dựng phương án điều chỉnh giá điện bán lẻ điện sinh hoạt, từ 6 bậc hiện hành xuống 5 bậc và lấy ý kiến các cơ quan ban ngành. Nhưng việc chốt biểu giá điện sinh hoạt thay đổi đến nay vẫn chưa được thông qua.

Tuy nhiên, cũng theo Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh, thời gian tới khi thời tiết nắng nóng giảm dần thì lượng tiêu thụ điện cũng giảm và tiền điện cũng sẽ giảm theo.

Liên quan đến việc này, Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh vừa báo cáo UBND TP Hồ Chí Minh về việc triển khai hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện cho một số khách hàng bị ảnh hưởng dịch COVID-19 trong năm 2021.

Trong đó, có hai nhóm đối tượng khách hàng được giảm tiền điện. Một là các cơ sở lưu trú du lịch sẽ được giảm giá bán điện từ mức giá bán lẻ điện áp dụng cho kinh doanh xuống mức giá bán lẻ điện áp dụng cho các ngành sản xuất quy định tại Quyết định số 648/QĐ-BCT ngày 20/3/2019 của Bộ Công Thương.

Hai là các cơ sở phục vụ phòng, chống dịch COVID-19. Cụ thể, ngành điện sẽ không thu phí và miễn 100% tiền điện cho các cơ sở đang thực hiện làm nơi cách ly, khám bệnh tập trung bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm COVID-19; giảm 20% tiền điện cho các cơ sở y tế đang được dùng để khám, xét nghiệm, điều trị bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm COVID-19.

Thời gian giảm giá điện và giảm tiền điện cho khách hàng trong 7 tháng kể từ kỳ hóa đơn tiền điện tháng 6 đến kỳ hóa đơn tiền điện tháng 12/2021.

Phú Lữ

Nguồn: Công an nhân dân

CÓ THỂ BẠN MUỐN XEM

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

KẾT NỐI

0FansLike
455FollowersFollow
51SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

LUẬN BÀN-PHẢN BIỆN

ĐỐI TƯỢNG