Như báo chí đã đưa tin, theo thông tin từ Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam, sự việc xảy ra lúc 14 giờ 40 phút ngày 5.10, tại vùng biển cách nam đông nam Khánh Hòa khoảng 112 hải lý. Tàu cá BĐ 91386 TS của ngư dân Việt Nam bị 3 tàu Trung Quốc truy đuổi không cho đánh bắt trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam khiến thuyền trưởng tàu cá đề nghị hỗ trợ.

Ngay sau đó Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng) đã có yêu cầu các cơ quan chức năng xác minh về thông tin tàu cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc truy đuổi không cho đánh bắt cá. Cùng đó, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định, Bộ đội Biên phòng, Hải Quân, Cảnh sát biển theo chức năng, nhiệm vụ triển khai các biện pháp hỗ trợ tàu cá trên bảo đảm đánh bắt hải sản hợp pháp trong vùng biển của Việt Nam

Theo dữ liệu AIS vệ tinh, nhóm tàu Hải Dương Địa Chất 8 cũng đang ở khoảng khu vực này cùng thời gian 14 giờ 40 phút ngày 5.10. Vào thời điểm 14h45′, tàu Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc đi qua vĩ tuyến ranh giới tỉnh Khánh Hoà và tiến vào xâm phạm khu vực biển thuộc tỉnh Ninh Thuận, cách bờ biển tỉnh Ninh Thuận tầm 112 hải lý, nằm ở phía đông nam tỉnh Khánh Hoà.

Các bài báo không cho biết rõ ba tàu Trung Quốc là tàu gì. Nhưng chúng ta đã biết tàu Hải Dương Địa Chất 8 được hộ tống bởi ít nhất 3 tàu hải cảnh cùng một số tàu dân quân và vận tải với số tàu có thể lên tới 28 chiếc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Sự phân bố của các tàu trong nhóm cũng khá rộng. Khoảng cách giữa tàu Hải Dương Địa Chất 8 và tàu hải cảnh hộ tống có thể hơn 10 hải lý.
Bởi vậy rất có thể tàu cá Bình Định đã bị những tàu thuộc nhóm tàu hộ tống tàu Hải Dương Địa Chất 8 ngang ngược xua đuổi không cho tới gần tàu Hải Dương Địa Chất 8 đang khảo sát trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Đây không phải là lần đầu tiên tàu cá Việt Nam bị ngăn cản đánh cá ngay trên vùng biển không thể tranh chấp của Việt Nam. Trước đó, ngư dân đảo Phú Quý đã từng tố cáo họ bị tàu hải cảnh và dân quân biển Trung Quốc trong nhóm tàu Hải Dương Địa Chất 8 ngăn cản và xua đuổi vào ngày 22/7/2019.
Như vậy, Trung Quốc đã không chỉ xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tự ý khảo sát và khước lờ yêu cầu của các cơ quan chức năng Việt Nam, mà còn ngăn cản ngư dân Việt Nam đang hành nghề trên vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.
Trước đó, vào khoảng 16 giờ ngày 3.10, hai tàu cá QNg 90019 TS và QNg 66018 TS đã phải tạm dừng toàn bộ các hoạt động trục vớt tàu cá ĐNa 90929 TS do phía Trung Quốc điều động ca nô ra hiện trường cản phá.

Ảnh: Mạnh Cường
Khoảng 5 giờ ngày 26.9, tàu cá ĐNa 90929 TS với 9 lao động bị phá nước, chìm ở vùng biển cách phía đông đảo Bạch Quy, quần đảo Hoàng Sa khoảng 5 hải lý. Liên quan đến vụ việc này, ngay trong ngày, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP.Đà Nẵng có công văn đề nghị Trung Quốc hỗ trợ, giúp đỡ chủ tàu cá ĐNa 90929 TS trục vớt tàu và tài sản. Chủ tàu bị nạn đã thuê 2 tàu cá QNg 90019 TS và QNg 66018 TS đến hiện trường để trục vớt tàu và tài sản nhưng vẫn bị phía Trung Quốc cản phá.

Theo báo Thanh Niên, lãnh đạo Cục Cứu hộ cứu nạn cho biết trong các vụ việc này, các cơ quan tiếp tục xác minh làm rõ, thu thập thêm thông tin về tàu cũng như các hành động ngăn cản ngư dân cụ thể và coi đây là căn cứ đề nghị phía Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) tiếp tục làm việc, trao đổi với phía Trung Quốc.
Nguyễn Anh (Nguồn ảnh Marine Traffic, Thanh Niên, Tiền Phong)
Nguồn: Cánh cò